TS. Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM |
Bức xúc trên vừa được TS. Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM chia sẻ tại buổi Đối thoại lãnh đạo khối Chính phủ trong khuôn khổ Hội thảo Chính phủ điện tử diễn ra sáng 28/8/2013 tại Hà Nội.
TS. Lê Mạnh Hà cho biết: TP.HCM là địa phương đầu tiên trong cả nước xây dựng và vận hành hệ thống đăng ký kinh doanh qua mạng áp dụng cho các doanh nghiệp trên địa bàn từ năm 2001 - 2002. Sau hơn 10 năm triển khai, đã có tới 50 - 60% doanh nghiệp ở TP.HCM sử dụng phương thức đăng ký kinh doanh qua mạng.
"Thế nhưng hoạt động ứng dụng CNTT của TP.HCM đã tụt lùi một bước khi Bộ KH&ĐT áp từ trên xuống phải sử dụng hệ thống đăng ký kinh doanh thống nhất toàn quốc, khiến hệ thống do TP.HCM xây dựng bị “sụp đổ”. Kết quả là không còn doanh nghiệp nào đăng ký kinh doanh qua mạng. Tôi đánh giá đây cũng là một dạng phá hoại", TS. Lê Mạnh Hà nhận định.
TS. Lê Mạnh Hà cũng phân tích: "Việc Bộ Kế hoạch Đầu tư triển khai xây dựng một hệ thống ứng dụng CNTT trên phạm vi toàn quốc là điều tốt, nhưng cần dựa trên nền tảng các đơn vị đã ứng dụng rồi để phối hợp kết nối hiệu quả, đảm bảo không gián đoạn công việc, không ảnh hưởng tới quyền lợi của doanh nghiệp và người dân. Rất tiếc là Bộ Kế hoạch & Đầu tư đã “phá sập” hệ thống đăng ký kinh doanh qua mạng khiến TP.HCM “trắng tay” sau hơn 10 năm triển khai hệ thống".
Trao đổi với ICTnews bên lề hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết khó có thể tính được thiệt hại từ vụ ngừng hoạt động hệ thống đăng ký kinh doanh qua mạng của TP.HCM, song giờ đây, mỗi ngày lại có hàng trăm, thậm chí hàng ngàn doanh nghiệp đến đăng ký tại Sở KH&ĐT gây quá tải, khó khăn cho chính Sở và người dân, chưa kể những tiêu cực phát sinh.
“Hệ thống do Bộ KH&ĐT triển khai vẫn chưa làm được việc cấp phép đăng ký kinh doanh qua mạng cho doanh nghiệp và không biết có làm được không. Bởi vậy, TP.HCM dự kiến sẽ khôi phục lại hệ thống cũ để phục vụ người dân, doanh nghiệp cũng như phục vụ hoạt động chỉ đạo của Thành phố. Chúng tôi sẽ vẫn đảm bảo cung cấp những thông tin mà Bộ KH&ĐT yêu cầu để thống nhất hoạt động với hệ thống đăng ký kinh doanh qua mạng triển khai toàn quốc”, TS. Lê Mạnh Hà nhấn mạnh.
TP.HCM không phải là địa phương duy nhất phải chịu hậu quả của việc Bộ, ngành áp đặt triển khai các hệ thống ứng dụng CNTT dùng chung toàn quốc, xóa bỏ những thành quả đã gây dựng được trong nhiều năm qua.
Ông Phạm Kim Sơn, Giám đốc Sở TT&TT TP. Đà Nẵng cho biết địa phương mình cũng gặp trường hợp tương tự. Đà Nẵng đã triển khai phần mềm quản lý đăng ký kinh doanh trực tuyến từ năm 2003, nhưng đến năm 2012, Bộ Kế hoạch & Đầu tư đưa vào hoạt động chương trình mới khiến địa phương phải bỏ chương trình cũ. Giờ hoạt động cấp đăng ký kinh doanh qua mạng cũng giảm hiệu quả.
Để khắc phục những trường hợp tương tự có thể xảy ra, TS. Lê Mạnh Hà khuyến nghị: "Các bộ ngành triển khai hệ thống ứng dụng CNTT nào đó thì nên có sự phối hợp với Bộ TT&TT để đảm bảo hiệu quả, tránh chồng chéo, đồng thời phải căn cứ vào hiện trạng ứng dụng CNTT tại địa phương để đánh giá các ứng dụng trên tinh thần kế thừa những kết quả tốt, không nên phá những cái tốt đi để làm cái mới, nói cách khác là đổi mới bằng cách phá hủy".
“Các Bộ, ngành cần tôn trọng địa phương và phải tôn trọng người dân. Dân đang được hưởng dịch vụ tốt thì để họ dùng, không nên áp đặt, lấy dân ra làm thí điểm. Người dân phải được hưởng dịch vụ công với chất lượng ngày một cao hơn”, TS. Lê Mạnh Hà khuyến nghị thêm.
Đồng quan điểm trên, ông Phạm Minh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ đề xuất các bộ, ngành nên phát huy những ứng dụng tốt của địa phương, triển khai nhân rộng để các địa phương khác đỡ phải mò mẫm tìm hiểu, không nên áp đặt triển khai các hệ thống mới, không tương thích, kết nối được với những hệ thống đang hoạt động tốt.
Ngọc Mai
Theo ICTNEWS