Chính sách mới >> Tài chính 11/06/2012 08:24 AM

11/06/2012 08:24 AM

Ở Mỹ, nhân viên của công ty luật, ngân hàng, môi giới, công ty in ấn và thậm chí nhân viên Chính phủ đều có thể bị truy tố nếu mua bán chứng khoán dựa trên nguồn thông tin biết trước thị trường.

Luật pháp Mỹ xử lý thế nào với giao dịch nội gián?

Không giống như hầu hết nhà đầu tư thường suy nghĩ, giao dịch tay trong/nội bộ (insider trading) là thuật ngữ chỉ cả hành vi hợp pháp và bất hợp pháp.

Giao dịch tay trong/nội bộ hợp pháp là những giao dịch mua/bán chứng khoán của công ty mà chính ban lãnh đạo, nhân viên công ty thực hiện và được báo cáo lên Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC).

Giao dịch tay trong/nội bộ bất hợp pháp là những giao dịch mua/bán chứng khoán được thực hiện dựa trên những thông tin nội bộ quan trọng và chưa được công bố. Những người truyền đạt cũng như sử dụng thông tin này để mua/bán chứng khoán đều bị xem là vi phạm luật pháp.

Dưới đây là những trường hợp bị liệt vào giao dịch tay trong bất hợp pháp, hay còn gọi là giao dịch nội gián, theo quy định của Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC):

(1) Giám đốc, cán bộ và những nhân viên giao dịch chứng khoán của chính công ty mình khi biết trước những thay đổi quan trọng và chưa được công bố.

(2) Bạn bè, đối tác kinh doanh và các thành viên gia đình của các đối tượng trên sử dụng thông tin nêu trên để thực hiện các giao dịch chứng khoán.

(3) Nhân viên của các công ty luật, ngân hàng, môi giới và công ty in ấn (những người nhận thông tin để cung cấp dịch vụ) thực hiện giao dịch chứng khoán dựa trên nguồn thông tin biết trước thị trường.

(4) Nhân viên Chính phủ thực hiện giao dịch mua/bán dựa trên nguồn thông tin biết được từ công việc hay những mối quan hệ công việc.

(5) Những người đã chiếm dụng và lợi dụng nguồn thông tin mật từ ban lãnh đạo hay người chủ sử dụng lao động.

Cá nhân vi phạm có thể bị kết tội hình sự lên đến 20 năm tù, bị phạt đến 5 triệu USD hoặc cả hai. Số tiền phạt cũng có thể lên đến 25 triệu USD trong những trường hợp đặc biệt nghiêm trọng.

Trong khi đó, hình phạt đối với vi phạm dân sự có thể lên tới 1 triệu USD hoặc gấp 3 lần số tiền thu được hoặc không bị mất đi. Ngoài ra, những cá nhân này có thể bị cấm hoặc hạn chế làm các công việc liên quan đến công ty đại chúng hay SEC

Vụ giao dịch nội gián của tỷ phú Raj Rajaratnam, Chủ tịch Quỹ đầu tư Galleon, với tội danh mua bán đầu tư và thu lợi bất hợp pháp số tiền lên đến 50 triệu USD, đã làm chấn động nước Mỹ. Tòa án đã tuyên phạt Raj Rajaratnam 20 năm tù, nhưng chỉ kết án 11 năm tù do những đóng góp từ thiện và vấn đề sức khỏe. Ngoài ra, tỷ phú này còn bị tuyên phạt số tiền 10 triệu USD.

Liên đới đến vụ giao dịch nội gián này, một cựu giám đốc của Goldman Sachs là Rajat Gupta bị cáo buộc đã cung cấp thông tin mật cho tỷ phú Raj Rajaratnam. Mặc dù chưa có phán quyết cuối cùng của tòa án, nhưng nếu bị kết tội thì Rajat Gupta cũng có thể phải đối mặt với mức án 11 năm tù.

Xử lý giao dịch nội gián ở Việt Nam: Nhẹ và hẹp?

Ở Việt Nam, hoạt động giao dịch nội gián là vấn nạn nhức nhối trên thị trường chứng khoán. Mặc dù các vụ việc được phanh phui chưa nhiều nhưng hầu như ai cũng biết hàng loạt cán bộ lãnh đạo cấp cao, nhân viên các bộ phận kế toán tài chính, công bố thông tin… của doanh nghiệp có thể dễ dàng hưởng lợi từ các thông tin biết trước thị trường.

Trên thực tế, các hình thức xử phạt đối với giao dịch nội gián đã được quy định tại Điều 26, Nghị định 85/2010/NĐ-CP. Tuy nhiên, những quy định chưa cụ thể cùng với mức xử phạt chỉ tối đa đến 200 triệu đồng chưa thật sự phát huy được tác dụng. Hay các quy định để tính hình phạt bổ sung là tịch thu các khoản thu trái pháp luật cũng chỉ vừa mới được ban hành và có hiệu lực từ tháng 4/2012. Tuy vậy, từ đó đến nay thì hầu như cũng chưa có thêm trường hợp đáng chú ý nào được phát hiện.

Bộ luật Hình sự năm 2010 cũng đã có quy định hình phạt hình sự đối với tội danh giao dịch nội gián. Cụ thể, Điều 181b đưa ra hình phạt từ 2 năm đến 7 năm tù đối với các hành vi có tổ chức, thu lợi bất chính lớn và đặc biệt lớn, gây hậu quả nghiệm trọng…

Có thể nói, khung hình phạt đối với loại các vi phạm giao dịch nội gián ở Việt Nam được nhìn nhận là khá “nhẹ tay” so với khung hình phạt cả về hành chính lẫn hình sự so với ở Mỹ. Hơn nữa, việc thiếu thông tin hướng dẫn khiến cho việc xử lý hình sự đối với giao dịch nội gián chỉ mới dừng ở văn bản.

Mới đây, dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn một số điều của Bộ luật Hình sự quy định về các tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán cũng vấp phải những khó khăn trong việc phân định ranh giới giữa xử lý hành chính và hình sự.

Thực tế cho thấy, một số các nhà đầu tư lớn ở Việt Nam đã lợi dụng sự lỏng lẻo của pháp luật để trục lợi thông qua các giao dịch nội gián. Nhiều người sẵn sàng chấp nhận mức phạt ít ỏi để thu được lợi ích lớn hơn nhiều từ các giao dịch nội gián.

Ngoài ra, việc điều tra giao dịch nội gián chưa mở rộng đến nhiều nhóm đối tượng khác cũng khiến cho phạm vi giám sát trở nên rất hẹp.

Hoàng Vũ (Vietstock)

FFN

 

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,575

Chính sách mới

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]