Ảnh minh họa (Nguồn Internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT xin được giải đáp như sau:
- Khoản 1 Điều 119 Bộ luật dân sự 2015 quy định: “Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể”.
Như vậy, việc gửi xe – giữ xe có thể có phiếu giữ xe hoặc không có phiếu giữ xe; trường hợp khách gửi xe, người nhận giữ xe đồng ý giữ xe bằng lời nói hoặc hành vi thì đã được xem là xác lập giao dịch dân sự gửi xe – giữ xe.
- Khoản 2 Điều 556 Bộ luật dân sự 2015 quy định: “Bên gửi tài sản có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại, nếu bên giữ làm mất, hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng”.
Như vậy, khi người giữ xe làm mất xe của khách phải có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho khách.
Theo Luật gia Bùi Tường Vũ, Giám đốc THƯ VIỆN PHÁP LUẬT: “Dù pháp luật không bắt buộc; tuy nhiên, đơn vị giữ xe cần có phiếu giữ xe đưa cho khách. Có như vậy, sẽ giúp khách an tâm, cũng như tránh phát sinh tranh chấp sau này”.
Lưu ý: Nếu người giữ xe thừa nhận việc có giao dịch gửi xe – giữ xe thì mọi chuyện sẽ thuận lợi cho người gửi xe; tuy nhiên, với trường hợp người giữ xe không thừa nhận có giao dịch gửi xe – giữ xe thì người gửi xe phải chứng minh trong thực tế có giao dịch đó, ví dụ, nhờ người khác làm chứng, tự mình ghi âm, chụp ảnh lại quá trình gửi xe – giữ xe…
Hữu Phạm