Danh sách đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
27/11/2023 16:15 PM

Tôi muốn biết các đơn vị sự nghiệp công lập nào trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông theo quy định mới nhất? – Thanh Vy (Cà Mau)

Danh sách đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông

Danh sách đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Ngày 24/11/2023, Thủ tướng ban hành Quyết định 1187/QĐ-TTg về danh sách đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông.

Danh sách đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông

Cụ thể các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông bao gồm:

(1) Trung tâm Internet Việt Nam.

(2) Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia.

(3) Viện Công nghệ số và Chuyển đổi số quốc gia (được đổi tên từ Viện Công nghiệp phần mềm và nội dung số Việt Nam).

(4) Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích Việt Nam.

(5) Trường Cao đẳng Thông tin và Truyền thông.

(6) Nhà Xuất bản Thông tin và Truyền thông.

Quyết định 1187/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành và thay thế Quyết định 1901/QĐ-TTg năm 2017.

Điều kiện thành lập đơn vị sự nghiệp công lập

Theo khoản 1 Điều 5 Nghị định 120/2020/NĐ-CP, các điều kiện thành lập đơn vị sự nghiệp công lập được quy định như sau:

(i) Phù hợp với quy hoạch ngành quốc gia hoặc quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập (nếu có) đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

(ii) Đáp ứng đủ tiêu chí thành lập đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật chuyên ngành;

(iii) Xác định rõ mục tiêu, chức năng, nhiệm vụ của đơn vị cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, phục vụ quản lý nhà nước;

(iv) Đảm bảo số lượng người làm việc tối thiểu là 15 người (trừ các đơn vị sự nghiệp công lập cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu được thành lập theo quy định của pháp luật chuyên ngành).

Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, khi thành lập các đơn vị này thì số lượng người làm việc là viên chức tối thiểu được xác định theo Đề án thành lập.

Đối với các đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp thì số lượng người làm việc tối thiểu bao gồm viên chức và người làm chuyên môn, nghiệp vụ theo chế độ hợp đồng lao động.

Đối với đơn vị sự nghiệp công lập ở nước ngoài thì số lượng người làm việc do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Đề án thành lập đơn vị sự nghiệp công lập.

(v) Có trụ sở làm việc hoặc đề án cấp đất xây dựng trụ sở làm việc đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt (trường hợp xây dựng trụ sở mới); trang thiết bị cần thiết ban đầu; nguồn nhân sự và kinh phí hoạt động theo quy định của pháp luật.

(vi) Đơn vị sự nghiệp công lập ở nước ngoài: Ngoài việc đáp ứng các điều kiện quy định nêu trên, cần bảo đảm phù hợp với chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước và thỏa thuận giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước sở tại về việc thành lập và hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập.

Nguyên tắc thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập

Việc thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập phải tuân thủ các nguyên tắc được quy định tại Điều 4 Nghị định 120/2020/NĐ-CP, cụ thể như sau:

- Việc thành lập, tổ chức lại, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập phải bảo đảm đúng điều kiện, trình tự, thủ tục và thẩm quyền quy định tại Nghị định này (trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác thì thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành); một đơn vị sự nghiệp công lập có thể cung ứng nhiều dịch vụ sự nghiệp công cùng loại.

- Các đơn vị sự nghiệp công lập được thành lập mới (kể cả đơn vị sự nghiệp công lập thuộc đơn vị sự nghiệp công lập) phải tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (trừ trường hợp phải thành lập mới để cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu). Riêng đối với đơn vị sự nghiệp công lập thuộc đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm về chi thường xuyên và chi đầu tư, khi thành lập mới (kể cả trường hợp cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu) phải tự bảo đảm về chi thường xuyên và chi đầu tư.

- Đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động không hiệu quả thì tổ chức lại hoặc giải thể. Việc tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập không được làm tăng thêm số lượng người hưởng lương từ ngân sách nhà nước đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm thực hiện đúng quy định về số lượng cấp phó của đơn vị và thực hiện tinh giản biên chế theo quy định.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,066

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]