Nhiều phán quyết của trọng tài thương mại bị hủy |
Tại tọa đàm, ông Vũ Ánh Dương, Tổng thư ký VIAC, cho biết từ năm 2011 – 2014 có 20 yêu cầu hủy phán quyết trọng tài của VIAC thì có đến 10 phán quyết (50%) được tòa án đã chấp nhận hủy. Điều này làm cho các trọng tài viên rất lo lắng, nói như trọng tài viên Trương Thị Hòa, đó là “ngồi xử mà run lắm vì không biết phán quyết của mình sẽ bị hủy như thế nào!”.
Thật vậy, thống kê của VIAC trước đây cho thấy, giai đoạn 2003 – 2011 có 26 yêu cầu hủy phán quyết của trọng tài VIAC nhưng tòa án chỉ hủy có 9 phán quyết (không hủy 17 phán quyết). Phán quyết trọng tài gần đây bị hủy nhiều (sau khi có Luật Trọng tài thương mại), theo ông Nguyễn Công Phú, Phó chánh tòa kinh tế TPHCM, “là một hiện tượng bất thường, ngược đời”, vì luật ra đời là tạo hành lang để phát triển phương thức giải quyết tranh chấp bằng con đường trọng tài .
Việc phán quyết trọng tài bị hủy nhiều, theo ông Phú, không phải do các bên liên quan trong tranh chấp mà do chính một số thẩm phán đã hiểu không đúng về phương thức giải quyết tranh chấp ngoài tòa án này. Theo ông, nhiều phán quyết trọng tài bị hủy với những lý do rất mù mờ như phán quyết “trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật” (nhưng nội hàm của nguyên tắc cơ bản của pháp luật lại chưa được xác định rõ ràng nên các thẩm phán muốn vận dụng thế nào cũng được).
Luật sư và cũng là trọng tài viên Trương Trọng Nghĩa cho biết có không ít trường hợp phán quyết của trọng tài có sai sót nhỏ như ghi đơn vị tiền tệ trong hợp đồng là đô la Mỹ cũng bị tòa án “vin” vào đó mà hủy cả phán quyết. “Như thế là không công bằng, tòa án nên tạo điều kiện cho trọng tài sửa chữa những sai sót nhỏ không ảnh hưởng đến bản chất của phán quyết”, ông Nghĩa nói.
Luật sư - trọng tài viên - Trương Thị Hòa cho rằng chế định xét xử trong tài hiện nay như “người chưa thành niên” nên lúc nào cũng có sự giám hộ của tòa án. “Cái gì liên quan đến trọng tài cũng đều phụ thuộc vào tòa án. Số phận của trọng tài hẩm hiu như thế làm sao tạo sự tin tưởng cho nhà đầu tư nước ngoài khi lựa chọn giải quyết tranh chấp bằng hình thức này, làm sao hội nhập?”, bà Hòa nói.
Vì vậy, để các phán quyết của trọng tài không bị hủy, tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp ngoài tòa án, ông Vũ Ánh Dương kiến nghị các cơ quan chức năng phải giải thích, hướng dẫn việc áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam; tạo cơ hội cho Hội đồng trọng tài khắc phục sai sót; Tòa án tối cao phải có bộ phận giám sát, theo dõi việc hủy phán quyết trọng tài;… Và cuối cùng là sửa đổi Luật Trọng tài thương mại cho hợp lý hơn.
Quang Chung