1. Mức hỗ trợ giáo viên mầm non, tiểu học trường tư bị ảnh hưởng bởi COVID-19
Đây là nội dung tại Nghị quyết 103/NQ-CP ngày 11/8/2022 về chính sách hỗ trợ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học ngoài công lập gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 do Chính phủ ban hành.
Cụ thể, việc hỗ trợ giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học trường tư gặp khó khăn do COVID-19 được quy định như sau:
- Đối tượng nhận hỗ trợ là cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên làm việc tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập sau đây được cấp có thẩm quyền cấp phép thành lập và hoạt động theo quy định phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19, bao gồm:
+ Cơ sở giáo dục mầm non thuộc loại hình tư thục, dân lập;
+ Cơ sở giáo dục tiểu học tư thục;
+ Trường mẫu giáo, mầm non SOS, trường tiểu học Hermann Gmeiner trong hệ thống Làng trẻ em SOS Việt Nam.
- Điều kiện nhận hỗ trợ:
Cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên được hưởng chính sách khi bảo đảm các điều kiện sau:
+ Là người đang làm việc tại cơ sở giáo dục ngoài công lập trước khi cơ sở phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19 tính từ ngày 01/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021;
+ Nghỉ việc không hưởng lương từ 01 tháng trở lên tính từ ngày ngày 01/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021;
+ Chưa được hưởng chính sách hỗ trợ đối với người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương theo quy định tại khoản 4, 5, 6 Mục II Nghị quyết 68/NQ-CP do không tham gia BHXH bắt buộc;
+ Có xác nhận làm việc tại cơ sở giáo dục ngoài công lập (bao gồm cơ sở giáo dục ngoài công lập đã làm việc trước đây hoặc cơ sở giáo dục ngoài công lập khác trong trường hợp cơ sở giáo dục ngoài công lập trước đây làm việc không hoạt động trở lại) ít nhất hết năm học 2021 - 2022.
- Mức hỗ trợ:
+ Hỗ trợ một lần mức 3.700.000 đồng/người áp dụng với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên chưa được hưởng chính sách của địa phương hỗ trợ đối với nhóm lao động không có giao kết hợp đồng lao động và một số đối tượng đặc thù khác theo quy định tại khoản 12 Mục II Nghị quyết 68/NQ-CP ;
+ Hỗ trợ một lần mức 2.200.000 đồng/người áp dụng với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đã được hưởng chính sách của địa phương theo quy định tại khoản 12 Mục II Nghị quyết 68/NQ-CP .
- Thời gian thực hiện: đến hết ngày 31/12/2022.
Xem chi tiết tại Nghị quyết 103/NQ-CP ngày 11/8/2022.
2. Quy trình thực hiện chế độ điều dưỡng sức khỏe tại nhà với người có công đang tại ngũ
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư 55/2022/TT-BQP ngày 27/7/2022 hướng dẫn quy trình công nhận và thực hiện chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng thuộc trách nhiệm của Bộ Quốc phòng.
Trong đó, hướng dẫn quy trình thực hiện chế độ điều dưỡng, phục hồi sức khỏe tại nhà đối với người có công đang tại ngũ, công tác quy định tại khoản 4 Điều 86 Nghị định 131/2021/NĐ-CP như sau:
- Cơ quan, đơn vị cấp trung đoàn và tương đương trở lên, căn cứ đối tượng người có công do đơn vị đang quản lý quy định tại Điều 84 Nghị định, lập danh sách người được điều dưỡng, phục hồi sức khỏe tại nhà theo Mẫu số 86 Phụ lục I Nghị định 131/2021/NĐ-CP , có văn bản đề nghị cấp trên trực tiếp, gửi đến cơ quan chính trị đơn vị trực thuộc Bộ trong Quý I của năm.
Trong thời gian 15 ngày kể từ ngày nhận được văn bản của cấp trên về thực hiện chế độ điều dưỡng, phục hồi sức khỏe, có trách nhiệm giải quyết chế độ cho đối tượng.
- Cơ quan chính trị đơn vị trực thuộc Bộ trong thời gian 25 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đơn vị đề nghị, có trách nhiệm kiểm tra; căn cứ mức chi điều dưỡng, phục hồi sức khỏe tại nhà quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 75/2021/NĐ-CP , lập danh sách báo cáo thủ trưởng đơn vị trực thuộc Bộ phê duyệt và ban hành quyết định theo Mẫu số 68 Phụ lục I Nghị định 131/2021/NĐ-CP ;
Đồng thời, chuyển về cơ quan, đơn vị cấp trung đoàn và tương đương trở lên để thực hiện chế độ ưu đãi.
Thời gian xem xét, giải quyết không quá 40 ngày kể từ ngày nhận được danh sách của cơ quan, đơn vị đề nghị.
Thông tư 55/2022/TT-BQP có hiệu lực từ ngày 15/9/2022.
3. Giảm 10% thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi với xăng
Đây là nội dung tại Nghị định 51/2022/NĐ-CP sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng xăng thuộc nhóm 27.10 tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo Danh mục mặt hàng chịu thuế kèm theo Nghị định 57/2020/NĐ-CP do Chính phủ ban hành.
Theo đó, điều chỉnh giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu đối với mặt hàng xăng động cơ, không pha chì (thuộc mã HS từ 2710.12.21 đến 2710.12.29) từ 20% xuống 10%.
(Hiện hành, Nghị định 57/2020/NĐ-CP quy định mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi với mặt hàng này là 20%).
Nghị định 51/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 08/8/2022.
4. 05 bước chỉ định thầu thông thường
Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Công văn 5520/BKHĐT-QLĐT ngày 08/8/2022 hướng dẫn thực hiện cơ chế đặc thù về chỉ định thầu theo các Nghị quyết của Quốc hội.
Trong đó, quy định 05 bước chỉ định thầu thông thường đối với gói thầu về hạ tầng giao thông và y tế tại Nghị quyết 43/2022/QH15 như sau:
Bước 1: Chuẩn bị lựa chọn nhà thầu
- Lập hồ sơ yêu cầu;
- Thẩm định và phê duyệt hồ sơ yêu cầu và xác định nhà thầu được đề nghị chỉ định thầu.
Bước 2: Tổ chức lựa chọn nhà thầu
- Hồ sơ yêu cầu được phát hành cho nhà thầu đã được xác định;
- Nhà thầu chuẩn bị và nộp hồ sơ đề xuất theo yêu cầu của hồ sơ yêu cầu.
Bước 3: Đánh giá hồ sơ đề xuất và thương thảo về các đề xuất của nhà thầu
Bước 4: Trình, thẩm định, phê duyệt và công khai kết quả chỉ định thầu
Trên cơ sở báo cáo kết quả đánh giá hồ sơ đề xuất, bên mời thầu trình kết quả lựa chọn nhà thầu, trong rõ đó nêu rõ ý kiến của bên mời thầu về các nội dung đánh giá của tổ chuyên gia.
Kết quả lựa chọn nhà thầu phải được thẩm định theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 4 Điều 106 Nghị định 63/2014/NĐ-CP .
Bước 5: Hoàn thiện và ký kết hợp đồng
Hợp đồng ký kết giữa các bên phải phù hợp với quyết định phê duyệt kết quả chỉ định thầu, biên bản thương thảo hợp đồng, hồ sơ đề xuất, hồ sơ yêu cầu và các tài liệu liên quan khác.
Xem chi tiết tại Công văn 5520/BKHĐT-QLĐT ngày 08/8/2022.