Tại phiên thảo luận ở tổ về dự án Luật phí và lệ phí sáng 29/5, đồng tình việc loại bỏ một số loại phí, lệ phí và chuyển sang cơ chế giá, song góp ý kiến về dự án Luật phí và lệ phí, ĐB Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) cho rằng, phí và lệ phí đang là vấn đề phức tạp của xã hội, ảnh hưởng đến đời sống người dân. Đang tồn tại thực trạng “xã phí, phường phí, rồi cả… thôn phí”.
“Có nơi đi qua một con đường thôn cũng đứng ra thu phí, với lý do thôn đó bỏ tiền ra làm con đường này… Thật quá vô lý!”- ĐB Nguyệt bức xúc.
Bà Nguyệt nhấn mạnh, dự thảo luật cần quy định rõ đối tượng điều chỉnh, thẩm quyền thu phí, lệ phí và làm rõ nguyên tắc cái nào là phí, cái nào là lệ phí, cái nào là xã hội hóa để tránh tình trạng nhập nhằng, lạm dụng để thu. “Đã thu phí, lệ phí là phải vào ngân sách nhà nước và cần phải tính đến việc công nghệ hóa thông tin khi thu chứ cứ theo hóa đơn viết tay thì sẽ rất khó kiểm soát”- ĐB Nguyệt đề nghị.
Theo ĐBQH Trần Du Lịch (TP. Hồ Chí Minh), cần cho chính quyền địa phương quyết một số loại phí không trái với luật quốc gia, không nên để Trung ương quyết định hết.
Đồng tình chuyện thu hẹp các khoản phí, lệ phí như trong dự án Luật đưa ra, nhưng ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) vẫn băn khoăn về tình trạng lạm thu tràn lan, gây ra thất thu nhiều hơn là thu được.
Ông Vinh đơn cử một số loại phí vô lý, như thu phí vỉa hè, lòng đường, rồi phí trông giữ xe với giá cắt cổ… Mục đích thu là làm đẹp mỹ quan đô thị nhưng thực chất đã đạt được hay chưa lại là một dấu hỏi. “Phí là cung cấp dịch vụ, mới được thu phí, nhưng anh có cung cấp dịch vụ đâu mà đòi thu phí của dân? Rồi mức phí đưa ra mỗi nơi một phách, đơn cử phí trông giữ xe nơi 2.000 đồng/lượt, nơi lại 5.000 đồng/lượt… ”- ĐB Trần Ngọc Vinh nói.
Ông Vinh kiến nghị, cần làm rõ đơn vị nào được thu phí và quản lý khoản thu từ phí này như thế nào. Phí nào không đáng thì nên bỏ, tránh trường hợp nhập nhèm, thất thu dân thì khổ và lợi ích thì chỉ rơi vào một nhóm cá nhân, không công bằng cho xã hội.
Trưởng ban dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Đức Hiền (Nghệ An) dẫn ra một loạt những hạn chế trong chuyện thu phí, lệ phí hiện nay. Ví như, vẫn có sự lẫn lộn giữ phí, lệ phí. Thẩm quyền thu là cơ quan Nhà nước, nhưng tổ chức dịch vụ công cũng được giao nhiệm vụ thu. Phí đưa ra người dân phải nộp, nhưng thụ hưởng dịch vụ công lại không tương xứng.
“Tôi cho rằng, người dân đã nộp phí rồi thì phải được hưởng một dịch vụ công tương xứng, cho nên phải rà soát lại” – ĐB Nguyễn Đức Hiền nói.
Nên bỏ phí bảo trì đường bộ
ĐB Trương Thị Ánh (TP.Hồ Chí Minh) phân tích những bất cập quanh chuyện thu phí bảo trì đường bộ. “Rõ ràng muốn vận hành được xe máy, người ta phải đổ xăng mà khi mua xăng, người dân đã trực tiếp đóng một khoản phí cho nhà nước. Nếu cứ thu thêm một khoản nữa, sợ rằng đó là tận thu của dân”, ĐB Ánh nói và đề nghị Bộ Tài chính rà soát lại các khoản phí để khi ban hành phù hợp với thực tế.
ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP. Hồ chí Minh) thì nêu một ví dụ, người dân sắm cái xe đó chỉ để đi chợ thôi và họ đi đúng trên con đường họ tự bỏ tiền ra làm. Tiền làm đường này hoàn toàn do dân đóng góp làm sao phải đóng phí. Người dân đặt câu hỏi như vậy, mình không biết trả lời sao.
Bất cập về chuyện “phí chồng phí” trong thu phí bảo trì đường bộ, ĐB Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) kiến nghị, nếu duy trì thu phí này thì Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính phải có giải trình, báo cáo đầy đủ chi tiết việc sử dụng khoản thu này ra sao. Nếu thu không hết mà để lại địa phương thì sẽ rất dễ dẫn tới tình trạng thất thu, dân phải gánh mà tiền vào ngân sách không bao nhiêu.
Còn theo ĐB Nguyễn Văn Minh (TP. Hồ Chí Minh), phí bảo trì đường bộ không nhiều nhưng tác động đến cả hoạt động quản lý Nhà nước, đại bộ phận người dân. “Ra phí thu không nhiều nhưng có khi làm “đẻ” ra cả một bộ máy hoặc kiêm nhiệm”, ông băn khoăn.
Cũng góp ý kiến về chuyện phí, lệ phí, ĐB Trần Du Lịch (TP. Hồ Chí Minh) lập luận, cần cho chính quyền địa phương quyết một số loại phí không trái với luật quốc gia, không nên để Trung ương quyết định hết. “Luật đang tước toàn bộ quyền của chính quyền địa phương quản lý ở đô thị”- ông Lịch nhấn mạnh.
Liên quan tới vấn đề phân cấp cho chính quyền địa phương trong chuyện thu phí, ĐB Quyết Tâm “hiến kế”, cách đơn giản nhất là Chính phủ quy định mức thu, thời gian thu. Loại phí nào, lệ phí nào địa phương thu nộp cho Trung ương thì do Trung ương quy định còn loại nào để lại thì chính quyền địa phương quy định mức thu, sử dụng và chi phí thế nào để đảm bảo nguồn thu cho địa phương mình. “Phải rạch ròi thì mới làm được, chứ cứ quy định như Luật này thì tới khi luật ban hành sẽ càng “bó” hơn”- bà Tâm tâm tư.
Nguyễn Hoài