Đề xuất điều kiện bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (Hình từ Internet)
Căn cứ theo Điều 96 Dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), quy định điều kiện bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao được đề xuất như sau:
- Người có đủ tiêu chuẩn tại Điều 94 Dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) và có đủ các điều kiện sau đây thì có thể được tuyển chọn, bổ nhiệm làm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao:
+ Có độ tuổi từ đủ 45 tuổi trở lên;
+ Có từ đủ 20 năm công tác tại tòa án trở lên, trong đó có từ đủ 10 năm làm Thẩm phán trở lên. Trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền quyết định nhưng phải có từ đủ 05 năm làm Thẩm phán trở lên;
+ Có năng lực xét xử những vụ án và giải quyết những việc khác thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân tối cao theo quy định của pháp luật.
- Người không công tác tại các Tòa án nhưng có uy tín cao trong xã hội, có năng lực xét xử và giải quyết những việc khác thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân tối cao theo quy định của pháp luật thì có thể được tuyển chọn, bổ nhiệm làm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao khi thuộc một trong những trường hợp sau đây:
+ Người giữ chức vụ quan trọng trong các cơ quan, tổ chức trung ương, am hiểu sâu sắc về chính trị, pháp luật, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, ngoại giao;
+ Chuyên gia, luật sư, giảng viên đại học, nhà khoa học có trình độ cao về pháp luật, giữ chức vụ quan trọng trong các cơ quan, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.
- Số lượng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao được tuyển chọn, bổ nhiệm theo quy định tại khoản 2 Điều 96 Dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) không quá 02 người.
Thủ tục phê chuẩn bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao được đề xuất như sau:
- Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trình Quốc hội phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
- Hồ sơ trình Quốc hội phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao được gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xem xét, đưa ra tại phiên họp gần nhất của Quốc hội.
- Ủy ban Tư pháp của Quốc hội có trách nhiệm thẩm tra tờ trình Quốc hội phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
- Quốc hội xem xét và ban hành Nghị quyết phê chuẩn đề nghị việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
- Căn cứ Nghị quyết của Quốc hội, Chủ tịch nước quyết định bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
- Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thực hiện việc tuyên thệ theo quy định tại Điều 89 Dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) có nội dung như sau:
+ Thẩm phán Tòa án nhân dân được bổ nhiệm phải tuyên thệ tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; thực hiện nhiệm vụ được giao một cách trung thực, tận tâm; thực hành công lý chỉ tuân theo pháp luật, khách quan và công bằng; tuân thủ quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán.
Căn cứ pháp lý: Điều 97 Dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi)
Đề xuất quy định về Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao như sau:
- Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao do Quốc hội phê chuẩn, Chủ tịch nước bổ nhiệm theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
- Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao làm việc đến khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác.
- Trường hợp Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao bị tạm giữ vì phạm tội quả tang thì cơ quan tạm giữ phải báo cáo ngay Chủ tịch nước biết.
- Trường hợp bắt, giam, giữ, khởi tố, khám xét nơi ở, nơi làm việc của Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì cơ quan điều tra, Viện kiểm sát phải báo cáo để Chủ tịch nước biết.
- Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã được bổ nhiệm theo quy định của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 thì nhiệm kỳ đến khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác.
Căn cứ pháp lý: Điều 91, Điều 93, Điều 100, Điều 105 Dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi)
Nguyễn Kim Thúy Vi