Đề xuất lựa chọn ngẫu nhiên Thẩm phán, Hội thẩm tham gia xét xử

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
29/03/2024 14:45 PM

Cho tôi hỏi có phải Tòa án nhân dân tối cao đang đề xuất lựa chọn ngẫu nhiên Thẩm phán, Hội thẩm tham gia xét xử phải không? – Minh Anh (Đồng Tháp)

Đề xuất lựa chọn ngẫu nhiên Thẩm phán, Hội thẩm tham gia xét xử

Đề xuất lựa chọn ngẫu nhiên Thẩm phán, Hội thẩm tham gia xét xử (Hình từ internet)

Tòa án nhân dân tối cao đang hoàn thiệnDự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân sửa đổi. Dự thảo Luật quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Tòa án nhân dân; về Thẩm phán, Hội thẩm và các chức danh khác trong Tòa án nhân dân; bảo đảm hoạt động của Tòa án nhân dân.

Đề xuất lựa chọn ngẫu nhiên Thẩm phán, Hội thẩm tham gia xét xử

Theo Điều 35 Dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân sửa đổi quy định về lựa chọn ngẫu nhiên Thẩm phán, Hội thẩm tham gia xét xử như sau:

Chánh án Tòa án quyết định phân công ngẫu nhiên Thẩm phán, Hội thẩm giải quyết vụ án bảo đảm nguyên tắc vô tư, khách quan theo quy định của pháp luật.

Những người không được làm Hội thẩm Tòa án nhân dân

Tại Điều 123 Dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân sửa đổi quy định về những người không được chọn làm Hội thẩm như sau:

- Người đang giữ chức danh tư pháp, công chức, viên chức và người lao động khác trong Tòa án, Viện kiểm sát, Công an, Thi hành án, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra theo quy định của luật.

- Luật sư.

- Công chứng viên.

- Thừa phát lại.

- Trợ giúp viên pháp lý.

Quy định những người không được làm Hội thẩm Tòa án nhân dân hiện hành

Đối với những người hiện đang công tác tại các cơ quan Tòa án, Viện kiểm sát, Điều tra, Thi hành án và những người làm việc tại các tổ chức luật sư, tư vấn pháp lý thì không giới thiệu để bầu làm Hội thẩm Tòa án nhân dân.

(Mục 2 Thông tư liên tịch 01/2004/TTLT-TANDTC-UBTWMTTQVN)

Như vậy, Dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân sửa đổi đã quy định cụ thể hơn về những người không được chọn làm Hội thẩm Tòa án nhân dân.

Đề xuất phương thức tổ chức xét xử tại Tòa án

Căn cứ Điều 136 Dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân sửa đổi quy định về phương thức tổ chức xét xử tại Tòa án như sau:

- Tòa án xét xử bằng phương thức trực tiếp hoặc trực tuyến.

- Phiên tòa xét xử trực tiếp là phiên tòa được tổ chức tại phòng xử án; người tiến hành tố tụng, bị cáo, bị hại, đương sự, người tham gia tố tụng khác có mặt tại phòng xử án để tham gia phiên tòa.

- Phiên tòa xét xử trực tuyến là phiên tòa được tổ chức tại phòng xử án, có sử dụng các thiết bị điện tử kết nối với nhau thông qua môi trường mạng, cho phép bị cáo, bị hại, đương sự, người tham gia tố tụng khác tham gia phiên tòa tại địa điểm ngoài phòng xử án do Tòa án quyết định nhưng vẫn bảo đảm trực tiếp theo dõi đầy đủ hình ảnh, âm thanh và tham gia các trình tự, thủ tục tố tụng của phiên tòa bằng lời nói, hành vi tố tụng liên tục, công khai, vào cùng một thời điểm.

Lưu ý: Việc tổ chức phiên tòa trực tuyến phải tuân thủ các quy định của pháp luật; bảo đảm an ninh, an toàn thông tin mạng và các điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật; bảo đảm sự tôn nghiêm của phiên tòa.

- Điều kiện tổ chức phiên tòa trực tuyến; trình tự, thủ tục tố tụng tại phiên tòa trực tuyến do pháp luật quy định.

Đề xuất bảo vệ Tòa án

Theo Điều 140 Dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân sửa đổi quy định về bảo vệ Tòa án như sau:

- Đối tượng bảo vệ tại Tòa án bao gồm:

+ Trụ sở các Tòa án;

+ Các phiên tòa, phiên họp xét xử, giải quyết các vụ việc;

+ Hồ sơ, tài liệu, chứng cứ của vụ việc;

+ Hội đồng xét xử, Thẩm phán và các chức danh tư pháp khác.

- Việc bảo vệ các đối tượng phải bảo đảm tuyệt đối an toàn, an ninh, trật tự, văn minh, sự tôn nghiêm của Tòa án.

- Trụ sở Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án quân sự trung ương là mục tiêu quan trọng về chính trị được lực lượng cảnh sát nhân dân, quân đội nhân dân canh gác, bảo vệ theo quy định của pháp luật.

- Trụ sở các Tòa án khác được Tòa án bố trí lực lượng bảo vệ chuyên trách. Kinh phí và điều kiện bảo đảm hoạt động của lực lượng bảo vệ chuyên trách do Ngân sách Nhà nước bảo đảm.

- Việc bảo vệ trụ sở các Tòa án quân sự do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định.

- Phiên tòa xét xử các vụ án hình sự phải được lực lượng cảnh sát nhân dân, lực lượng quân đội bảo vệ. Phiên tòa, phiên họp xét xử, giải quyết các vụ việc khác được lực lượng cảnh sát nhân dân, lực lượng quân đội bảo vệ khi có yêu cầu.

- Hội đồng xét xử, Thẩm phán và các chức danh tư pháp được lực lượng cảnh sát bảo vệ theo yêu cầu của Tòa án.

- Chánh án Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành quy định này.

Xem thêm tại Dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân sửa đổi

Đoàn Đức Tài

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 713

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]