Một số quy định cần biết về đầu tư xây dựng đập, hồ chứa nước

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Mai Thanh Lợi
06/09/2023 12:15 PM

Xin hỏi việc đầu tư xây dựng đập, hồ chứa nước được pháp luật quy định như thế nào? - Quang Anh (Bình Thuận)

THƯ VIỆN PHÁP LUẬT tổng hợp một số quy định cần biết về đầu tư xây dựng đập, hồ chứa nước:

Yêu cầu về thiết kế, thi công xây dựng đập, hồ chứa nước

(1) Thiết kế, thi công xây dựng đập, hồ chứa nước phải tuân thủ quy định của pháp luật về xây dựng, quy định khác của pháp luật có liên quan và quy định sau:

- Đầu tư xây dựng đập, hồ chứa nước phải đáp ứng yêu cầu quy định tại Điều 17 Luật Thủy lợi 2017;

- Việc bố trí tổng thể và thiết kế kết cấu đập phải tạo thuận lợi cho công tác quản lý an toàn đập, ứng cứu đập khi xảy ra sự cố và bảo trì, nâng cấp, sửa chữa khi công trình bị hư hỏng;

- Quy trình vận hành cửa van, quy trình bảo trì cho từng hạng mục công trình phải được lập, phê duyệt cùng với hồ sơ thiết kế và bàn giao cho chủ quản lý đập, hồ chứa nước khi bàn giao đưa công trình vào khai thác;

- Đối với cửa van của tràn xả lũ vận hành bằng điện phải có ít nhất hai nguồn điện, trong đó có một nguồn bằng máy phát điện dự phòng;

- Bố trí thiết bị quan trắc công trình đập, hồ chứa nước theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hiện hành và quy định của pháp luật có liên quan;

- Đối với đập, hồ chứa nước có cửa van điều tiết lũ phải lắp đặt hệ thống giám sát vận hành; thiết bị thông tin, cảnh báo an toàn cho đập và vùng hạ du đập; thiết bị quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng trên lưu vực hồ chứa nước;

- Đối với đập, hồ chứa nước lớn có tràn tự do phải lắp đặt thiết bị thông tin, cảnh báo an toàn cho đập và vùng hạ du đập; thiết bị quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng trên lưu vực hồ chứa nước;

- Đối với đập, hồ chứa nước vừa, nhỏ có tràn tự do, khuyến khích lắp đặt thiết bị thông tin, cảnh báo an toàn cho đập và vùng hạ du đập; thiết bị quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng trên lưu vực hồ chứa nước

- Xây dựng cơ sở dữ liệu đập, hồ chứa nước.

(2) Đối với đập, hồ chứa nước quan trọng đặc biệt, lớn, ngoài việc thực hiện như mục (1), chủ đầu tư còn phải thực hiện quy định sau đây:

- Các công trình lấy nước, công trình tháo nước có đáy đặt sâu dưới đỉnh đập phải có chiều cao, chiều rộng thích hợp để kiểm tra, sửa chữa công trình;

- Xây dựng đường quản lý để ứng cứu đập trong tình huống khẩn cấp; xây dựng nhà điều hành phục vụ công tác quản lý, khai thác và trực ban phòng, chống thiên tai tại công trình.

(3) Đối với đập, hồ chứa nước vừa và nhỏ, khuyến khích thực hiện theo mục (2).

(4) Trong quá trình thi công, chủ đầu tư xây dựng đập, hồ chứa nước có trách nhiệm:

- Lập phương án ứng phó thiên tai cho công trình, vùng hạ du đập theo quy định tại Điều 6 Nghị định 114/2018/NĐ-CP, trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại Điều 7 Nghị định 114/2018/NĐ-CP;

- Tổ chức lập, phê duyệt và thực hiện phương án ứng phó thiên tai theo quy định tại Điều 22 Luật phòng, chống thiên tai 2013.

(5) Chủ đầu tư xây dựng đập, hồ chứa nước có trách nhiệm lập phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp theo quy định tại Điều 25, Điều 26 Nghị định 114/2018/NĐ-CP, trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt trước khi tích nước và bàn giao cho tổ chức, cá nhân khai thác đập, hồ chứa nước, cơ quan quản lý nhà nước về thủy lợi, thủy điện, phòng, chống thiên tai.

Căn cứ: Điều 5 Nghị định 114/2018/NĐ-CP

Một số quy định cần biết về đầu tư xây dựng đập, hồ chứa nước

Một số quy định cần biết về đầu tư xây dựng đập, hồ chứa nước (Hình từ internet)

Thẩm định, phê duyệt phương án ứng phó thiên tai cho công trình, vùng hạ du đập trong quá trình thi công

Căn cứ Khoản 2 Điều 18 Luật Thủy lợi 2017 thì trong quá trình thi công, chủ đầu tư xây dựng đập, hồ chứa nước có trách nhiệm lập phương án ứng phó thiên tai cho công trình, vùng hạ du đập trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện.

Việc thẩm định, phê duyệt phương án ứng phó thiên tai cho công trình, vùng hạ du đập trong quá trình thi công thực hiện theo quy định tại Điều 7 Nghị định 114/2018/NĐ-CP như sau:

(i) Hồ sơ trình thẩm định

Chủ đầu tư xây dựng đập, hồ chứa nước đề nghị phê duyệt phương án ứng phó thiên tai cho công trình, vùng hạ du đập nộp 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện đến cơ quan tiếp nhận hồ sơ theo quy định tại khoản 5 Điều 7 Nghị định 114/2018/NĐ-CP. Hồ sơ bao gồm:

- Tờ trình đề nghị phê duyệt phương án ứng phó thiên tai cho công trình, vùng hạ du đập;

- Dự thảo phương án ứng phó thiên tai cho công trình, vùng hạ du đập;

- Báo cáo kết quả tính toán kỹ thuật;

- Văn bản góp ý kiến của các cơ quan, đơn vị liên quan;

- Các tài liệu khác liên quan kèm theo (nếu có).

(ii) Nội dung thẩm định phương án ứng phó thiên tai cho công trình, vùng hạ du đập

- Kiểm tra cơ sở pháp lý của hồ sơ trình phê duyệt thẩm định;

- Kiểm tra, đánh giá độ tin cậy các tài liệu sử dụng lập phương án;

- Nhận xét, đánh giá tính hợp lý của hồ sơ và dự thảo phương án.

(iii) Trình tự, thủ tục thẩm định phương án ứng phó thiên tai cho công trình, vùng hạ du đập

- Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm xem xét, kiểm tra hồ sơ; trường hợp hồ sơ không hợp lệ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân đề nghị phê duyệt phương án để hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định;

- Trong thời hạn 20 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm thẩm định hồ sơ, kiểm tra thực tế hiện trường khi cần thiết, trình cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt; trường hợp không đủ điều kiện phê duyệt, cơ quan tiếp nhận trả lại hồ sơ cho tổ chức, cá nhân đề nghị phê duyệt và thông báo lý do bằng văn bản.

(iv) Cơ quan tiếp nhận hồ sơ, thẩm định phương án ứng phó thiên tai cho công trình, vùng hạ du đập

- UBND cấp xã tiếp nhận hồ sơ, thẩm định phương án ứng phó thiên tai cho công trình, vùng hạ du đập thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND cấp xã;

- Cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về thủy lợi cấp huyện tiếp nhận hồ sơ, thẩm định phương án ứng phó thiên tai cho công trình, vùng hạ du đập thủy lợi thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND cấp huyện; cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về thủy điện cấp huyện tiếp nhận, thẩm định phương án ứng phó thiên tai cho công trình, vùng hạ du đập thủy điện thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND cấp huyện;

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp nhận hồ sơ, thẩm định phương án ứng phó thiên tai cho công trình, vùng hạ du đập thủy lợi; Sở Công Thương tiếp nhận hồ sơ, thẩm định phương án ứng phó thiên tai cho công trình vùng hạ du đập thủy điện thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND cấp tỉnh.

(v) Thẩm quyền phê duyệt phương án ứng phó thiên tai cho công trình, vùng hạ du đập

- UBND cấp xã phê duyệt phương án đối với đập, hồ chứa nước và vùng hạ du đập trên địa bàn 01 xã;

- UBND cấp huyện phê duyệt phương án đối với đập, hồ chứa nước và vùng hạ du đập trên địa bàn từ 02 xã trở lên thuộc một huyện;

- UBND cấp tỉnh phê duyệt phương án đối với đập, hồ chứa nước và vùng hạ du đập trên địa bàn, trừ quy định tại điểm a, điểm b khoản này; phê duyệt phương án đối với đập, hồ chứa nước và vùng hạ du đập trên địa bàn từ 02 tỉnh trở lên sau khi lấy ý kiến của UBND cấp tỉnh có liên quan.

Quy trình vận hành hồ chứa nước

Căn cứ Khoản 3 Điều 18 Luật Thủy lợi 2017 thì chủ đầu tư xây dựng đập, hồ chứa nước có trách nhiệm lập quy trình vận hành hồ chứa, phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt trước khi tích nước và bàn giao cho tổ chức, cá nhân khai thác, cơ quan quản lý nhà nước về thủy lợi, phòng, chống thiên tai.

Theo đó, việc lập quy trình vận hành hồ chứa nước cần tuân thủ quy định tại Điều 11 Nghị định 114/2018/NĐ-CP như sau:

- Quy trình vận hành hồ chứa nước phải tuân thủ quy định của Luật Thủy lợi 2017, Luật Tài nguyên nước 2012, pháp luật có liên quan và phù hợp với quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

- Nội dung chính của quy trình vận hành hồ chứa nước

+ Cơ sở pháp lý để lập quy trình, nguyên tắc vận hành công trình, thông số kỹ thuật chủ yếu, nhiệm vụ công trình;

+ Quy định quy trình vận hành cửa van (nếu có); quy định cụ thể về vận hành hồ chứa nước trong mùa lũ, mùa kiệt trong trường hợp bình thường và trong trường hợp xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, lũ, ngập lụt, úng, ô nhiễm nguồn nước và trong tình huống khẩn cấp;

+ Quy định chế độ quan trắc, cung cấp thông tin về quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng theo quy định tại Điều 15 Nghị định 114/2018/NĐ-CP;

+ Công tác cảnh báo khi vận hành xả lũ trong trường hợp bình thường và trong tình huống khẩn cấp, cảnh báo khi vận hành phát điện bao gồm: Quy định khoảng thời gian tối thiểu phải thông báo trước khi vận hành mở cửa xả nước đầu tiên; tín hiệu cảnh báo, thời điểm cảnh báo, vị trí cảnh báo; trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc phát lệnh, truyền lệnh, thực hiện lệnh vận hành xả lũ; trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc phát tin, truyền tin, nhận tin cảnh báo xả lũ;

+ Quy định về dòng chảy tối thiểu (nếu có);

+ Quy định trách nhiệm và quyền hạn của tổ chức, cá nhân liên quan trong việc thực hiện quy trình vận hành hồ chứa nước theo khoản 6 Điều 13 Nghị định 114/2018/NĐ-CP;

+ Quy định về tổ chức thực hiện và trường hợp sửa đổi, bổ sung quy trình vận hành hồ chứa nước.

- Trách nhiệm lập và điều chỉnh quy trình vận hành hồ chứa nước

+ Chủ đầu tư xây dựng đập, hồ chứa nước lập quy trình vận hành hồ chứa nước, trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt trước khi tích nước và bàn giao cho tổ chức, cá nhân khai thác, cơ quan quản lý nhà nước về thủy lợi, thủy điện, phòng, chống thiên tai;

+ Đối với hồ chứa nước đang khai thác mà chưa có quy trình vận hành thì tổ chức, cá nhân khai thác đập, hồ chứa thủy lợi hoặc chủ sở hữu đập, hồ chứa thủy điện có trách nhiệm lập quy trình vận hành, trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt chậm nhất sau 01 năm kể từ ngày 04/09/2018;

+ Định kỳ 5 năm hoặc khi quy trình vận hành không còn phù hợp, tổ chức cá nhân khai thác đập, hồ chứa thủy lợi hoặc chủ sở hữu đập, hồ chứa thủy điện có trách nhiệm rà soát, điều chỉnh quy trình vận hành, trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,694

Bài viết về

lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]