Căn cứ Điều 34 Nghị định 112/2020/NĐ-CP và khoản 21 Điều 1 Nghị định 71/2023/NĐ-CP quy định Hội đồng kỷ luật viên chức được cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật viên chức quyết định thành lập để tư vấn về việc áp dụng hình thức kỷ luật đối với viên chức có hành vi vi phạm.
Hội đồng kỷ luật viên chức làm việc theo các nguyên tắc sau đây:
- Hội đồng kỷ luật họp khi có đủ 03 thành viên trở lên tham dự, trong đó phải có Chủ tịch Hội đồng và Thư ký Hội đồng.
- Hội đồng kỷ luật kiến nghị áp dụng hình thức kỷ luật thông qua bỏ phiếu kín.
- Việc họp Hội đồng kỷ luật phải được lập thành biên bản, trong đó thể hiện rõ ý kiến của các thành viên dự họp và kết quả bỏ phiếu kiến nghị hình thức kỷ luật.
- Hội đồng kỷ luật tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
Hội đồng kỷ luật viên chức có bao nhiêu người, gồm những ai? (Hình từ internet)
Căn cứ khoản 1, 2 và 3 Điều 35 Nghị định 112/2020/NĐ-CP quy định về số lượng, thành phần Hội đồng kỷ luật viên chức cụ thể như sau:
(1) Đối với viên chức không giữ chức vụ quản lý và đơn vị sự nghiệp công lập quản lý viên chức không có đơn vị cấu thành, Hội đồng kỷ luật có 03 thành viên, bao gồm:
- Chủ tịch Hội đồng là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập quản lý viên chức;
- 01 Ủy viên Hội đồng là đại diện Ban chấp hành công đoàn của đơn vị sự nghiệp công lập quản lý viên chức;
- 01 Ủy viên kiêm Thư ký Hội đồng là người đại diện cơ quan tham mưu về công tác tổ chức, cán bộ của đơn vị sự nghiệp công lập quản lý viên chức.
(2) Đối với viên chức không giữ chức vụ quản lý và đơn vị sự nghiệp công lập quản lý viên chức có đơn vị cấu thành, Hội đồng kỷ luật có 05 thành viên, bao gồm:
- Chủ tịch Hội đồng là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập quản lý viên chức hoặc được phân cấp quản lý viên chức;
- 01 Ủy viên Hội đồng là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu đơn vị trực tiếp sử dụng viên chức;
- 01 Ủy viên Hội đồng là đại diện cấp ủy của đơn vị trực tiếp sử dụng viên chức;
- 01 Ủy viên Hội đồng là đại diện Ban chấp hành công đoàn của đơn vị sự nghiệp công lập quản lý viên chức hoặc đơn vị được phân cấp quản lý viên chức;
- 01 Ủy viên kiêm Thư ký Hội đồng là người đại diện cơ quan tham mưu về công tác tổ chức, cán bộ của đơn vị sự nghiệp công lập quản lý viên chức.
(3) Đối với viên chức quản lý có hành vi vi phạm, Hội đồng kỷ luật có 05 thành viên, bao gồm:
- Chủ tịch Hội đồng là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền bổ nhiệm hoặc phê chuẩn, quyết định công nhận viên chức;
- 01 Ủy viên Hội đồng là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu đơn vị quản lý hoặc được phân cấp quản lý viên chức; trường hợp cấp bổ nhiệm đồng thời là cấp quản lý thì Ủy viên Hội đồng là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu đơn vị trực tiếp sử dụng viên chức;
- 01 Ủy viên Hội đồng là đại diện tổ chức đảng của đơn vị sự nghiệp công lập quản lý viên chức hoặc đơn vị được phân cấp quản lý viên chức;
- 01 Ủy viên Hội đồng là đại diện Ban chấp hành công đoàn của đơn vị quản lý viên chức hoặc đơn vị được phân cấp quản lý viên chức;
- 01 Ủy viên kiêm Thư ký Hội đồng là người đại diện cơ quan tham mưu về công tác tổ chức, cán bộ của cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền xử lý kỷ luật viên chức.
- Trường hợp tất cả cấp ủy hoặc Ban chấp hành công đoàn thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 11 Điều 2 Nghị định 112/2020/NĐ-CP thì cử 01 đại diện cấp ủy cấp trên trực tiếp hoặc cử 01 công đoàn viên của đơn vị đó thay thế.
- Trường hợp người đứng đầu hoặc tất cả cấp phó của người đứng đầu đơn vị trực tiếp sử dụng viên chức quy định tại điểm b khoản 2 hoặc điểm b khoản 3 Điều 35 Nghị định 112/2020/NĐ-CP thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 11 Điều 2 Nghị định 112/2020/NĐ-CP thì cử 01 viên chức của đơn vị đó thay thế.
- Trường hợp người đứng đầu, tất cả cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị quy định tại điểm a khoản 1, điểm a khoản 2 hoặc điểm a khoản 3 Điều 35 Nghị định 112/2020/NĐ-CP thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 11 Điều 2 Nghị định 112/2020/NĐ-CP thì người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức, đơn vị đó là Chủ tịch Hội đồng.