Hướng dẫn lập, bảo quản, lưu trữ hồ sơ giám định tư pháp mới nhất

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
11/07/2024 15:00 PM

Nội dung bài viết viết hướng dẫn lập, bảo quản, lưu trữ hồ sơ giám định tư pháp theo quy định pháp luật hiện hành.

Hướng dẫn lập, bảo quản, lưu trữ hồ sơ giám định tư pháp mới nhất

Hướng dẫn lập, bảo quản, lưu trữ hồ sơ giám định tư pháp mới nhất (Hình ảnh từ Internet)

1. Quy trình thực hiện giám định tư pháp mới nhất

Tại khoản 1 Điều 13 Thông tư 09/2023/TT-BTP quy định việc thực hiện giám định trong lĩnh vực tư pháp được tiến hành như sau:

- Nghiên cứu, phân tích kỹ hồ sơ trưng cầu, đối tượng giám định và các tài liệu, thông tin được người trưng cầu, yêu cầu giám định đã giao, cung cấp;

- Xác định rõ đối tượng, những nội dung chuyên môn cần xem xét, đánh giá;

- Tiến hành khảo sát hoặc xác minh vấn đề cần thiết có liên quan mà người trưng cầu, yêu cầu giám định không thể cung cấp được tài liệu, thông tin về vấn đề đó (nếu có);

- Tiến hành so sánh, đối chiếu vấn đề hoặc đối tượng cần giám định với quy chuẩn chuyên môn về vấn đề hoặc đối tượng cần giám định;

- Đưa ra nhận xét, đánh giá, nêu ý kiến chuyên môn cụ thể, rõ ràng về vấn đề hoặc đối tượng cần giám định theo trưng cầu, yêu cầu giám định;

- Xây dựng, ban hành bản kết luận giám định;

- Lập hồ sơ giám định.

2. Hướng dẫn lập, bảo quản, lưu trữ hồ sơ giám định tư pháp mới nhất

Tại Điều 16 Thông tư 09/2023/TT-BTP hướng dẫn lập, bảo quản, lưu trữ hồ sơ giám định tư pháp như sau:

- Hồ sơ giám định tư pháp trong lĩnh vực tư pháp thuộc nhóm Hồ sơ giải quyết các vụ việc trong hoạt động quản lý chuyên môn nghiệp vụ được lập, bảo quản, lưu trữ theo quy định Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp 2020, quy định pháp luật về văn thư, lưu trữ và quy định của cơ quan, đơn vị thực hiện giám định.

- Người thực hiện giám định có trách nhiệm lập hồ sơ giám định bao gồm các tài liệu chính sau đây:

+ Quyết định trưng cầu giám định, Quyết định trưng cầu giám định bổ sung (nếu có), Quyết định trưng cầu giám định lại (nếu có) và đối tượng giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật liên quan hoặc mẫu so sánh gửi kèm theo (nếu có);

+ Văn bản phân công, cử người thực hiện giám định tư pháp hoặc Quyết định thành lập Tổ giám định hoặc Quyết định thành lập Hội đồng giám định;

+ Biên bản giao, nhận hồ sơ trưng cầu, đối tượng giám định; biên bản mở niêm phong hồ sơ, tài liệu, đồ vật;

+ Đề cương giám định (nếu có);

+ Văn bản ghi nhận quá trình thực hiện giám định;

+ Kết luận giám định trước đó hoặc ý kiến, kết luận chuyên môn do tổ chức, cá nhân khác thực hiện (nếu có); Bản ảnh giám định (nếu có);

+ Hồ sơ, tài liệu, chứng từ liên quan đến việc sử dụng dịch vụ phục vụ việc giám định tư pháp (nếu có);

+ Bản kết luận giám định tư pháp;

+ Biên bản giao nhận kết luận giám định; giao trả đối tượng giám định (nếu có);

+ Tài liệu khác liên quan đến việc giám định (nếu có).

- Trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày hoàn thành việc giám định, người thực hiện giám định có trách nhiệm bàn giao hồ sơ giám định cho cơ quan, tổ chức, đơn vị chủ quản lưu giữ và bảo quản theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Thông tư 0/2023/TT-BTP.

Hồ sơ giám định của Tổ giám định tư pháp được bàn giao cho đơn vị có thành viên được giao làm Tổ trưởng Tổ giám định.

Hồ sơ giám định của Hội đồng giám định được bàn giao cho đơn vị có thành viên là Chủ tịch Hội đồng.

Cơ quan, tổ chức, đơn vị nhận bàn giao hồ sơ giám định tư pháp có trách nhiệm bảo quản, lưu trữ theo quy định của pháp luật về lưu trữ và theo quy định của Bộ Tư pháp.

- Hồ sơ giám định tư pháp có thể được khai thác, sử dụng như sau:

+ Cơ quan, tổ chức, đơn vị nhận bàn giao hồ sơ giám định tư pháp quy định tại khoản 3 Điều 16 Thông tư 09/2023/TT-BTP có trách nhiệm xuất trình hồ sơ giám định tư pháp khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

+ Người đã thực hiện giám định tư pháp được khai thác, sử dụng hồ sơ giám định tư pháp để phục vụ việc tham gia hoạt động tố tụng theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người yêu cầu giám định.

+ Trường hợp khác theo quy định của pháp luật có liên quan.

3. Thời hạn giám định tư pháp

Tại Điều 17 Thông tư 09/2023/TT-BTP quy định thời hạn giám định trong lĩnh vực tư pháp thực hiện theo quy định tại Điều 26a Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp 2020. Thời hạn của từng bước trong quy trình giám định được quy định tại sơ đồ quy trình giám định trong lĩnh vực tư pháp ban hành kèm theo Thông tư 09/2023/TT-BTP.

Tô Quốc Trình

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 937

Bài viết về

lĩnh vực Thủ tục tố tụng

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]