Ngày 05/02/2024, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư 10/2024/TT-BTC quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định đánh giá trữ lượng khoáng sản và lệ phí cấp giấy phép hoạt động khoáng sản.
Theo đó, dựa vào tổng chi phí thăm dò khoáng sản thực tế (không bao gồm thuế giá trị gia tăng) thì mức phí được thu như sau:
- Đến 01 tỷ đồng: 10 triệu đồng;
- Trên 01 đến 10 tỷ đồng: 10 triệu đồng + (0,5% x phần tổng chi phí trên 1 tỷ đồng);
- Trên 10 đến 20 tỷ đồng: 55 triệu đồng + (0,3% x phần tổng chi phí trên 10 tỷ đồng);
- Trên 20 tỷ đồng: 85 triệu đồng + (0,2% x phần tổng chi phí trên 20 tỷ đồng).
Xem thêm tại Thông tư 10/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 21/3/2024.
Ngày 05/02/2024, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư 08/2024/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp lệ phí cấp giấy phép nhận chìm ở biển.
Theo đó, mức thu lệ phí cấp, cấp lại, gia hạn, sửa đổi, bổ sung giấy phép nhận chìm ở biển được quy định như sau:
- Cấp giấy phép: 22.500.000 đồng/giấy phép
- Cấp lại giấy phép: 7.000.000 đồng/giấy phép
- Gia hạn giấy phép: 17.500.000 đồng/giấy phép
- Sửa đổi, bổ sung giấy phép: 12.500.000 đồng/giấy phép
Người nộp lệ phí là tổ chức, cá nhân được cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 60 Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo 2015 cấp, cấp lại, gia hạn, sửa đổi, bổ sung giấy phép nhận chìm ở biển.
Xem chi tiết nội dung tại Thông tư 08/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 21/3/2024 và thay thế Thông tư 105/2018/TT-BTC ngày 15/11/2018.
Ngày 05/02/2024, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT về Chuẩn cơ sở giáo dục đại học.
Chuẩn cơ sở giáo dục đại học bao gồm 6 tiêu chuẩn với 20 tiêu chí. Các tiêu chí được đánh giá qua các chỉ số theo hướng dẫn tại phần IV Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT, với các số liệu được chốt tại thời điểm ngày 31/12 của năm báo cáo và hoàn thiện chậm nhất vào ngày 31/3 của năm sau liền kề năm báo cáo.
Theo đó, 6 tiêu chuẩn trong cơ sở giáo dục đại học bao gồm:
- Tiêu chuẩn 1: Tổ chức và quản trị
- Tiêu chuẩn 2: Giảng viên
- Tiêu chuẩn 3: Cơ sở vật chất
- Tiêu chuẩn 4: Tài chính
- Tiêu chuẩn 5: Tuyển sinh và đào tạo
- Tiêu chuẩn 6: Nghiên cứu và đổi mới sáng tạo
Xem chi tiết tại Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 22/3/2024 và thay thế Thông tư 24/2015/TT-BGDĐT ngày 23/9/2015.
Ngày 01/02/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 10/2024/NĐ-CP quy định về khu công nghệ cao.
Cụ thể, điều kiện chung để thành lập khu công nghệ cao bao gồm:
- Phù hợp với quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
- Có quy mô diện tích phù hợp và khả thi về sử dụng đất; điều kiện tự nhiên thích hợp;
- Có điều kiện hạ tầng và vị trí giao thông thuận lợi;
- Có khả năng liên kết với các cơ sở nghiên cứu, đào tạo có trình độ cao;
- Có phương án khả thi về nguồn nhân lực và đội ngũ quản lý chuyên nghiệp cho khu công nghệ cao;
- Có phương án khả thi huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội khu công nghệ cao; bảo đảm khả năng cân đối của ngân sách nhà nước (nếu có);
- Có phương án khả thi xây dựng khu nhà ở, công trình công cộng liền kề hoặc xung quanh khu công nghệ cao để đảm bảo phục vụ đời sống chuyên gia, người lao động làm việc trong khu công nghệ cao theo nhu cầu và tiến độ xây dựng khu công nghệ cao;
- Đáp ứng điều kiện bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;
- Bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Xem chi tiết tại Nghị định 10/2024/NĐ-CP có hiệu lực ngày 25/3/2024.