Xếp hạng thị trường chứng khoán Việt Nam: Chính phủ quyết tâm nâng hạng thị trường chứng khoán

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
29/03/2024 11:45 AM

Cho tôi hỏi tổ chức quốc tế xếp hạng thị trường chứng khoán Việt Nam ở thứ hạng nào? Có phải Chính phủ đang quyết tâm nâng hạng thị trường chứng khoán đúng không? – Phan Khải (Hà Nội)

Xếp hạng thị trường chứng khoán Việt Nam: Chính phủ quyết tâm nâng hạng thị trường chứng khoán

Xếp hạng thị trường chứng khoán Việt Nam: Chính phủ quyết tâm nâng hạng thị trường chứng khoán (Hình từ internet)

Xếp hạng thị trường chứng khoán Việt Nam

Tổ chức xếp hạng thị trường FTSE Russell vừa công bố báo cáo phân loại thị trường với việc giữ nguyên Việt Nam trong danh sách theo dõi nâng hạng từ thị trường cận biên (frontier market) lên thị trường mới nổi loại 2 (Secondary Emerging Markets).

Việt Nam đã được đưa vào danh sách theo dõi để nâng hạng thị trường từ tháng 9/2018. Tuy nhiên, theo FTSE Russell, các biện pháp cải tổ thị trường có tiến độ chậm hơn so với kỳ vọng, một phần bởi đại dịch COVID-19. Ngoài ra, yêu cầu buộc nhà đầu tư nước ngoài ký quỹ 100% trước khi giao dịch bị coi như trở ngại quan trọng với việc nâng hạng.

Xếp hạng thị trường chứng khoán Việt Nam: Chính phủ quyết tâm nâng hạng thị trường chứng khoán

Chính phủ quyết tâm nâng hạng thị trường chứng khoán

Ngày 27/3/2024 Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo 122/TB-VPCP về kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2024. Tại Hội nghị Thủ tướng đã đề ra các quan điểm, chỉ đạo như sau:

- Thứ nhất, tiếp tục giữ vững độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, bảo đảm ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia để phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam ổn định, lành mạnh, hiệu quả, bền vững và hội nhập.

- Thứ hai, xây dựng cơ chế, chính sách đồng bộ, nhất quán, tăng cường nắm bắt tình hình, tăng cường năng lực phân tích, dự báo để phản ứng chính sách kịp thời bảo đảm phù hợp với thực tiễn.

- Thứ ba, các cơ quan chức năng thực hiện quản lý, giám sát thị trường chứng khoán bằng pháp luật, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng quy luật của thị trường.

- Thứ tư, Chính phủ và các cơ quan chức năng luôn bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các chủ thể có liên quan theo quy định. Xây dựng Chính phủ kiến tạo để cùng cộng đồng doanh nghiệp, các thành viên thị trường chứng khoán, các nhà đầu tư góp sức thúc đẩy phát triển thị trường chứng khoán ngày càng phát triển mạnh mẽ, bền vững.

- Thứ năm, Chính phủ quyết tâm để thị trường chứng khoán được nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi và tập trung phát triển nhanh, bền vững theo xu hướng chuyển đổi số, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức.

- Thứ sáu, thị trường chứng khoán tiếp tục thực hiện hiệu quả vai trò kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng của nền kinh tế; phát triển hạ tầng hệ sinh thái của thị trường chứng khoán, xây dựng hệ thống quản lý, điều hành giám sát thị trường với ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số.

Đề xuất nhà đầu tư nước ngoài giao dịch chứng khoán không cần ký quỹ 100%

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến với dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư quy định về giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch chứng khoán; bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán; hoạt động của công ty chứng khoán và công bố thông tin trên thị trường chứng khoán

Theo khoản 2 Điều 1 dự thảo Thông tư  bổ sung Điều 9a Thông tư 120/2020/TT-BTC liên quan đến giao dịch ký quỹ như sau:

Giao dịch không ký quỹ 100% tiền của nhà đầu tư tổ chức nước ngoài:

- Công ty chứng khoán được nhận lệnh giao dịch mua chứng khoán của khách hàng là nhà đầu tư tổ chức nước ngoài khi tài khoản của khách hàng không đủ 100% giá trị lệnh đặt.

- Công ty chứng khoán thực hiện đánh giá năng lực của khách hàng để xác định mức ký quỹ theo thỏa thuận tại hợp đồng ký kết giữa công ty chứng khoán và khách hàng.

- Nhà đầu tư tổ chức nước ngoài thực hiện ký quỹ bằng tiền và thanh toán đầy đủ đối với giao dịch mua chứng khoán.

- Trường hợp nhà đầu tư tổ chức nước ngoài thiếu tiền thanh toán, công ty chứng khoán nơi nhà đầu tư đặt lệnh chịu trách nhiệm thanh toán đối với phần thiếu hụt thông qua tài khoản tự doanh, ngoại trừ trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 9a dự thảo Thông tư. Công ty chứng khoán thực hiện bán chứng khoán ngay khi chứng khoán về tài khoản tự doanh của mình. Chênh lệch phát sinh từ việc xử lý cho trường hợp này được thực hiện theo thỏa thuận tại hợp đồng giữa công ty chứng khoán và khách hàng.

- Ngân hàng lưu ký nơi nhà đầu tư tổ chức nước ngoài mở tài khoản lưu ký chứng khoán chịu trách nhiệm thanh toán số tiền thiếu hụt trong trường hợp xác nhận sai số dư tiền gửi của khách hàng với công ty chứng khoán dẫn tới thiếu tiền thanh toán giao dịch chứng khoán.

- Trong trường hợp cần thiết để ổn định thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có quyền tạm ngừng dịch vụ giao dịch không ký quỹ 100% tiền của nhà đầu tư tổ chức nước ngoài.

Như vậy, theo Dự thảo Thông tư cho phép nhà đầu tư tổ chức nước ngoài có thể giao dịch không ký quỹ 100% tiền. Tuy nhiên, Công ty chứng khoán phải thực hiện đánh giá năng lực của khách hàng để xác định mức ký quỹ.

Nhà đầu tư tổ chức nước ngoài thực hiện ký quỹ bằng tiền và thanh toán đầy đủ đối với giao dịch mua chứng khoán. Trường hợp nhà đầu tư tổ chức nước ngoài thiếu tiền thanh toán, công ty chứng khoán nơi nhà đầu tư đặt lệnh chịu trách nhiệm thanh toán đối với phần thiếu hụt thông qua tài khoản tự doanh.

Đoàn Đức Tài

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,172

Bài viết về

lĩnh vực Chứng khoán

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]