Chính sách mới >> Tài chính 22/06/2012 08:31 AM

Giảm thuế để thu hút quỹ

22/06/2012 08:31 AM

Với TTCK thế giới, quỹ đầu tư có vai trò hết sức quan trọng. Trong khi đó, tại TTCK Việt Nam số lượng quỹ đầu tư vẫn còn quá khiêm tốn, mà nguyên nhân đến từ các chính sách thuế hiện nay.

Đếm trên đầu ngón tay

Thông thường, quỹ đầu tư hoạt động tự doanh bằng chính nguồn vốn của công ty quản lý quỹ. Các quỹ đầu tư thường cung cấp dịch vụ quản lý đầu tư chuyên nghiệp cho các đối tượng đầu tư dưới các hình thức như quản lý đầu tư riêng lẻ cho từng cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước theo các hợp đồng ủy thác đầu tư.

Nguồn vốn đổ vào quỹ đầu tư có thể đến từ các tổ chức cá nhân trong nước và nước ngoài, nên đây là hình thức quản lý vốn cho NĐT.

Hiện nay tất cả quốc gia phát triển đều xác định lĩnh vực CK là ngành công nghiệp chủ đạo của nền kinh tế. Trong đó, ngành công nghiệp quản lý quỹ trong nước đóng vai trò then chốt trong việc cung ứng vốn cho nền kinh tế và cả hệ thống ngân hàng.

Vì thế, phát triển ngành công nghiệp quản lý quỹ sẽ làm tăng nhanh tính ổn định của TTCK cũng như tăng yếu tố cổ đông tổ chức trong hệ thống doanh nghiệp, từ đó dễ dàng tác động để thay đổi phương thức quản trị doanh nghiệp.

Chính vì vậy, lực lượng quỹ đầu tư thường chiếm 30-50% giá trị giao dịch thị trường, với tỷ lệ tương ứng trong việc nắm giữ cổ phần của các công ty đại chúng và niêm yết. Nhưng ở Việt Nam hoàn toàn ngược lại. Đến thời điểm hiện nay, số quỹ đầu tư mới chỉ đếm trên đầu ngón tay nhưng thời hạn hoạt động sắp kết thúc. Thậm chí, 3 năm qua, không có công ty quản lý quỹ trong nước nào được thành lập.

Bất hợp lý

Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Các NĐT tài chính Việt Nam (VAFI), một trong những nguyên nhân khiến số lượng quỹ đầu tư tại Việt Nam còn khiếm tốn là chính sách thuế cho quỹ đầu tư quá cao, thậm chí còn cao hơn rất nhiều so với các hình thức đầu tư CK trực tiếp không thông qua quỹ.

Chẳng hạn, thông tư hướng dẫn về thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân đối với lĩnh vực CK của Bộ Tài chính, các NĐT cá nhân đầu tư vào CK sẽ chịu các loại thuế gồm: thuế chuyển nhượng 0,1% trên giá trị chuyển nhượng (lỗ vẫn phải nộp), thuế lợi tức trái phiếu 5% trên tổng lợi tức nhận được và thuế cổ tức 5% trên số lợi nhuận được chia.

Trong khi đó, nếu đầu tư vào quỹ đầu tư, NĐT sẽ không chịu thuế chuyển nhượng nhưng bị tính 5% thuế lợi tức và thuế suất thu nhập doanh nghiệp 25% trên thu nhập chịu thuế.

Đây là cách tính thuế bất hợp lý vì NĐT cá nhân đầu tư vào quỹ phải chịu nghĩa vụ thuế cao hơn rất nhiều so với hình thức đầu tư trực tiếp không thông qua quỹ. Nếu quy định này thành hiện thực sẽ không NĐT nào đầu tư vào chứng chỉ quỹ. Lúc đó các công ty quản lý quỹ sẽ tuyên bố đóng cửa hoạt động và ngành công nghiệp quản lý quỹ trong nước sẽ giải thể.

Thông thường, các quốc gia phát triển ưu đãi về thuế cho tổ chức, cá nhân khi đầu tư vào quỹ hơn hình thức đầu tư trực tiếp, bởi có như vậy mới tạo điều kiện thu hút nhiều vốn để thành lập nhiều quỹ đầu tư.

Do đó, nguyên tắc cơ bản trong việc tính thuế đối với các quỹ đầu tư là NĐT cá nhân trong nước và nước ngoài khi đầu tư vào quỹ nghĩa vụ thuế tối thiểu phải đảm bảo không cao hơn so với việc trực tiếp đầu tư vào CK. Ngược lại, NĐT tổ chức nước ngoài khi đầu tư vào quỹ nghĩa vụ thuế không cao hơn so với đầu tư trực tiếp vào CK.

Từ thực tế trên, VAFI đã có ý kiến góp ý về cơ chế thuế cho các quỹ đầu tư trong nước. Theo đó, chỉ nên tính thuế chuyển nhượng 0,1% cho từng giao dịch chuyển nhượng CK; thuế lợi tức trái phiếu, lợi tức tiền gửi là 5%. Còn với đối tượng tổ chức trong nước sẽ áp dụng thuế khoán khi đầu tư vào quỹ và khi họ nhận được cổ tức, khoản này không phải chịu thuế thu nhập lần thứ 2.

Phương pháp tính thuế này thể hiện sự bình đẳng tương đối về nghĩa vụ nộp thuế của NĐT cá nhân trong nước và nước ngoài, NĐT nước ngoài khi đầu tư vào quỹ so với hình thức trực tiếp đầu tư CK.

Hải Hồ

Sài gòn đầu tư tài chính

 

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,857

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]